Bốn năm học tập tại Đại học, có lẽ với mình, năm nhất là quãng thời gian khốc liệt và khó khăn nhất. Nhiều lúc nghĩ lại, không hiểu tại sao mình lại có thể vượt qua được các môn như Giải tích III, Đại số, rồi Thí nghiệm Vật lý, Lập trình C, KTS, VHDL,…, bao lần tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, buông xuôi tất cả…
Bài viết mang tính quan điểm cá nhân và tổng hợp thêm từ một số nguồn hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất, để mỗi bạn sẽ có cho mình hành trình trải nghiệm Đại học thật tuyệt vời!
ĐẠI HỌC = TỰ HỌC.
Có lẽ đây không chỉ là một câu nói vui đơn thuần. Ở môi trường đại học, những kiến thức được dạy trên lớp chỉ là một phần rất nhỏ so với bể kiến thức cần trang bị của môn học đó.Khác với cấp 3, đại học không phải nơi mà các thầy cô cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từng chút một. Khối lượng kiến thức ở các môn tại đại học là khổng lồ. Có những môn giáo trình dày cộp cả vài trăm đến hàng ngàn trang. Mỗi buổi 3 tiết ở trường phải học xong cả một đến hai chương, giảng viên viết kín 12 mặt bảng hoặc trình chiếu đến cả vài chục slide…Bạn làm gì để theo kịp tốc độ đó?
Chỉ có thể là tự học. Bạn là người thầy giáo tốt nhất cho chính mình, và sách (cùng với Internet, Google…) là phương tiện để người thầy đó truyền đạt kiến thức cho bạn.
Với mỗi môn học, hãy tự mình đọc, nghiền ngẫm giáo trình và một vài tài liệu liên quan. Từ đó viết ra Mindmap hoặc đề cương cho môn học ấy. Lên kế hoạch để học và thực hành nhiều nhất có thể.
“Nước đến chân mới nhảy, bạn sẽ nhảy vào vũng nước. Muốn nhảy thật xa, bạn phải lấy đà từ trước! “Bên cạnh đó, hãy áp dụng các phương pháp như Pomodoro – 25’ tập trung xen kẽ với nghỉ ngơi trong quá trình học tập, cho não nghỉ, ngủ đủ giấc và thư giãn để tăng hiệu quả.
Hãy tìm hiểu tất cả các công cụ và tài liệu mà nhà trường hỗ trợ sẵn. Có thể là thư viện sách, thư viện trực tuyến hay các công cụ tìm tìm kiếm tài liệu nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tìm kiếm các anh chị khóa trên hoặc thầy cô để hỏi thêm thông tin cần thiết.
Và hãy luôn nhớ rằng, không chỉ ở đại học, mà ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, kỹ năng TỰ HỌC sẽ luôn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, quyết định đến thành công của bạn.
2. HÃY HỌC THEO NHÓM
Học nhóm (group-study) được đề cập rất nhiều ngay từ thời chúng ta còn học phổ thông. Nhưng vào thời điểm đó, học nhóm hay không học nhóm, điều đó không mấy khác biệt. Có khác biệt chăng là ta có nhiều cơ hội để chơi đùa với bạn bè hơn (?) Nhưng ở môi trường đại học, đây là yếu tố vô cùng quan trọng.
Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau
Tỷ phú Warren Buffett
Học nhóm chính là cách để giảm việc nhàm chán của tự học, giúp chúng ta rút ngắn thời gian trước những vấn đề khó. Chưa kể rằng, việc học nhóm và giảng dạy, giải thích lại các kiến thức cho người khác còn giúp chúng ta ghi nhớ kiến thức ấy gấp nhiều lần so với tự đọc và nghiên cứu một mình.Trước hết về thi cử và điểm số, hỗ trợ nhau học tập sẽ đem lại những lợi ích lớn lao cho mỗi thành viên. Đây là cách thức hiệu quả nhất để bạn có được điểm số cao trong học tập. Có một số người rất thông minh (theo đánh giá của bản thân họ và của những xung quanh), nhưng thi cử lại rất lận đận. Có một số người rất chăm chỉ, nhưng điểm số cũng không được như ý. Bởi vì họ chưa biết cách học và thi cho thật tốt. Bí quyết đơn giản nhất để có được điểm cao trong các kỳ thi là phải “luyện” thật nhiều.Luyện gì ư? Hãy luyện các đề thi. Bạn có thể tìm thấy đề thi các năm trước ở các tiệm photo trong trường. Xem qua chúng và giải các bài trong đó, với phương châm: nhiều hơn, nhanh hơn và chính xác hơn.
Hình thức học thi tốt nhất là mỗi người tự giải đề thi ở nhà rồi gặp nhau ở một số buổi. Trong những buổi này, ngoài việc trao đổi kết quả, các thành viên còn chỉ bảo cho nhau những kỹ thuật đặc biệt giúp tăng tốc, hoặc giảm thiểu sai sót khi làm bài.Với những môn liên quan nhiều đến thực hành – đặc biệt là lập trình, việc luyện tập coding thật nhiều, viết code sao cho người khác dễ hiểu, hoặc thực hiện Unit test cho bạn mình cũng sẽ giúp kỹ năng của bạn tốt lên rất nhiều.Một lợi ích không thể không nhắc đến của việc cùng học và luyện thi cùng nhau là nó sẽ thúc đẩy các thành viên chăm chỉ hơn. Sự ganh đua, hợp tác sẽ giúp mọi người cảm thấy việc giải một số lượng lớn các bài tập trong một thời gian ngắn đỡ nhàm chán hơn so với khi làm một mình.
Một nhóm học tập hoạt động hiệu quả sẽ giúp các thành viên biết làm đúng việc vào đúng thời điểm. Chẳng hạn, câu hỏi “Nên học ngôn ngữ lập trình nào?” là thắc mắc thường thấy nhất của sinh viên năm một, năm hai. Nếu chỉ có một mình, bạn có thể sẽ loay hoay mãi với câu hỏi này, hoặc sự lựa chọn của bạn là không chính xác, hoặc bạn đã học được đúng ngôn ngữ cần thiết những chưa đạt được đến độ sâu kiến thức. Giáo viên hay những sinh viên khoá trên cũng có thể giúp đỡ, nhưng sẽ không hiệu quả bằng bạn bè cùng giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vì người hiểu khả năng của bạn nhất chính là bản thân bạn, người thứ hai là người thường xuyên làm việc với bạn. Người giỏi mấy nhưng không hiểu về bạn thì khó có thể đưa ra một lời khuyên phù hợp được. Cùng nhau học, cùng nhau nghiên cứu về các công nghệ, hay ngôn ngữ lập trình, framework mới sẽ giúp mỗi người hiểu và giải quyết các khó khăn dễ dàng hơn.Tuy nhiên hãy cần phải nhớ rằng, học nhóm sẽ chỉ hiệu quả khi mà mỗi thành viên của nhóm có chung mục tiêu và phải thật kiên trì hướng tới mục tiêu chung đó.
Hãy “chọn bạn mà chơi” rồi cùng với bạn của mình đặt nhưng mục tiêu chung và cùng thực hiện nó. Bạn sẽ thấy mọi việc thú vị và dễ dàng hơn nhiều. Bên cạnh đó, một nhóm bạn học tốt cũng sẽ rất có thể giúp đỡ nhau trong công việc sau này hoặc cùng nhau phát triển các ý tưởng thành các startup thành công!
3. HỌC TIẾNG ANH
Thế giới ngày nay, mỗi người cần phải biết ba ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ; tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ máy lập trình coding để giao tiếp người với máy.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Tiếng Anh chắc chắn sẽ là điều đầu tiên mà bất cứ bạn trẻ nào cũng cần quan tâm khi trở thành sinh viên đại học.
Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Cũng bởi lẽ đó, rất nhiều tài liệu học tập hay của các tổ chức giáo dục, các trường đại học lớn đều được viết bằng Tiếng Anh. Quá nửa số lượng trang web trên Internet cũng được viết bằng Tiếng Anh, chẳng hạn như các trang báo, các công cụ, các dịch vụ toàn cầu trên mạng. Chỉ cần biết tiếng Anh là bạn đã có thể tiếp cận với nguồn thông tin vô tận này rồi. Đây là một trong những lợi ích lớn nhất cho thấy việc học Tiếng Anh quan trọng như thế nào.
Bạn sẽ luôn có ưu thế khi sử dụng thành thạo ngôn ngữ này. Khi bạn học tốt tiếng Anh bạn có thể:
- Tra cứu các văn bản, tài liệu học thuật của nước ngoài một cách dễ dàng. Nên nhớ với các kiến thức ở Đại học, việc tự học và tra cứu thêm các tài liệu chuyên ngành là điều vô cùng cần thiết để mở rộng kiến thức cho bản thân. Việc tra cứu và đọc hiểu được các tài liệu Tiếng Anh cũng là một lợi thế để sau này đi làm, bạn phải đọc các tài liệu kỹ thuật (Datasheets) của một thiết bị hay hướng dẫn sử dụng một phần mềm chuyên môn nào đó.
- Tiết kiện thời gian: Đối với các bạn đã có kết quả tiếng anh tốt thì sẽ được miễn học phần tiếng Anh trên trường, đồng nghĩa với đó là sẽ có thêm nhiều thời gian dành cho các môn chuyên ngành. Chưa kể đối với nhiều trường, khi bạn sở hữu chứng chỉ IELTS 5.5+ hoặc TOEIC IIG > 450+ thì được quy đổi điểm sang thang điểm 10 cho các học phần ngoại ngữ bắt buộc, điều này sẽ góp phần cải thiện GPA một cách đáng kể.
- Tham gia các khóa học online của các trường đại học lớn trên thế giới thông qua các nền tảng như: Coursera, Udemy, EdX, udacity, khanacademy… mình đã có một bài viết tổng hợp các khoá học online có chứng chỉ các bạn có thể xem tại lại tại đây. Những nền tảng này có đến hàng ngàn khóa học đủ các lĩnh vực, nó không chỉ giúp bạn có thể đào sâu các kiến thức liên quan đến các môn học ơ trên trường mà có rất nhiều các khóa học cấp chứng chỉ, đây sẽ là điều hỗ trợ rất lớn cho bạn trong quá trình tìm kiếm việc làm hoặc apply các học bổng sau này.
- Kiếm được các công việc part-time liên quan đến ngoại ngữ có thu nhập ổn (gia sư, dịch thuật, content writer…)Hiện tại, các trường đại học đều quy định mức chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên như IELTS 5.5 hoặc Toeic 450. Đừng chờ đến năm 3 năm 4 mới cuống lên đi học, vừa đi học vừa đi làm vất lắm đấy, chưa kể nếu không đạt chuẩn tiếng anh thì bạn còn có khả năng bị cảnh cáo học tập, bị giới hạn số lượng tín chỉ đăng ký, không được nhận đồ án – khóa luận tốt nghiệp và đương nhiên sẽ ra trường muộn, lỡ dở rất nhiều kế hoạch và đánh mất nhiều cơ hội. Do đó, nếu bạn nào còn đang yếu tiếng Anh thì hãy bắt đầu đi học ngay đi nhé!
4. HỌC CÁCH SỬ DỤNG MICROSOFT OFFICE VÀ GOOGLE DRIVE
Word, Excel, Power Point và Google Drive chắc chắn là những công cụ mà bạn sẽ sử dụng nhiều nhất khi học đại học. Các bạn sẽ làm bài tập lớn, thuyết trình, lên plan cho các hoạt động trong CLB… nên hãy thành thạo các thao tác sử dụng các công cụ này nhá.
• Với MS World: bạn cần thành thạo các kỹ năng trình bày văn bản để có thể hoàn thành các báo cáo môn học, bài tập lớn, khóa luận, đồ án tốt nghiệp…
• Với MS Excel, bạn sẽ cần đến nó trong các môn học liên quan đến thống kê, kế toán và tin học ứng dụng, hoặc sử dụng cho các mục đích khác như quản lý chi tiêu cá nhân…
• Sử dụng Power Point và các phần mềm thuyết trình có thể nói là một trong những kỹ năng sống còn của sinh viên.
Tips: Hãy sử dụng các teamplate miễn phí từ Slide Go, Slides Carnival, hoặc Canva để có những slide bố cục – màu sắc đẹp và tiết kiệm thời gian thiết kế nhé.
• Với Google Drive thì là công cụ miễn phí, tạo các Form – biểu mẫu khảo sát, thu thập thông tin, tạo các file Doc / Excel dùng chung… giúp bạn làm việc nhóm thuận tiện và chia sẻ các file với bạn bè của mình dễ dàng.
Nếu ngành học của bạn thiên về lĩnh vực Kinh tế, Kế toán, Hành chính văn phòng thì nên tìm hiểu về chứng chỉ Microsoft Office Specialist (MOS) – mà một số trường Đại Học lấy đây là một trong các điều kiện cần và đủ để có thể tốt nghiệp.
5. HỌC CÁCH HỎI VÀ HÃY HỎI THẬT NHIỀU
No such thing as a stupid question – Không có gì là một câu hỏi ngu ngốc
Việc tìm kiếm kiến thức bao gồm thất bại, thử và sai. Đừng nên chỉ vì bạn có thể biết ít hơn những người khác hoặc chưa hiểu mà ngại hỏi hoặc giả vờ như biết rồi.
Với mỗi môn học hãy vẽ một sơ đồ tư duy (mindmap) thật lớn, tóm tắt tất cả các chương, các bài lên một tờ giấy lớn, mỗi môn một tờ. Đây là “bản đồ môn học”. Trước khi tới lớp, hãy xem lại “bản đồ môn học”, mang theo một vài câu hỏi nào đó bạn còn băn khoăn. Mỗi bài giảng luôn đặt ít nhất một câu hỏi. Sau đó, một lần nữa trong lớp hãy xem xét kĩ lưỡng những tài liệu mà giảng viên đề cập, điều chỉnh và trau chuốt những câu hỏi cho phù hợp. Cuối cùng chừng nào bạn thấy câu hỏi của mình có ý nghĩa và làm rõ một điểm quan trọng nào đó trong bài giảng hãy đặt câu hỏi.
Cách làm này không chỉ giúp bạn củng cố hiểu biết, mà còn khiến bạn tập trung và tỉnh táo suốt buổi học. Ngoài ra, các thầy cô cũng rất thích sinh viên chủ động, nên đừng ngại ở lại hỏi han. Có thể câu hỏi của bạn sẽ khơi gợi cảm hứng để thầy cô chia sẻ thêm nhiều kiến thức khác nữa mà không có trong bài giảng chuẩn bị ban đầu.
Trên fanpage của anh Nguyễn Hữu Trí có chia sẻ một recap rất hay về cách đặt câu hỏi khi đi làm, các bạn có thể xem tại:
6. CHỦ ĐỘNG TIÊN PHONG, LÀ NGƯỜI DẪN DẮT
Trên đại học, có một thứ mà bạn muốn tránh cũng không được. Đó là làm việc nhóm, thuyết trình. Rất nhiều bạn sợ hai món này, mà quên rằng đó là cơ hội tuyệt vời để rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Nên mỗi khi cơ hội tới, hãy nắm lấy nó!
Tất nhiên, sẽ có những lúc bạn ngại, vì đó là việc bạn chưa bao giờ làm. Song đừng đổ lỗi rằng bạn không có kinh nghiệm, Dù thất bại, hay thành công, thì cũng đều là kinh nghiệm. Và khi thực hiện, đừng để mình bị lu mờ, hãy chọn một trong ba vị trí sau, sẽ cực kỳ có lợi cho bạn. Theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.
- Nhóm trưởng: Cái này tuy khó, song sẽ luyện cho bạn cả một kho kỹ năng. Thậm chí là tất cả mọi kỹ năng, kể cả trong trường hợp bạn có trong tay những nhóm viên lười biếng ^^! Đôi khi bạn sẽ phải “gánh team” nhưng đó cũng là cách rèn luyện để chịu đựng với áp lực sau này.
- Thuyết trình: Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn để lại dấu ấn với thầy cô, bạn bè. Nếu là người thuyết trình chắc chắn bạn cũng sẽ phải đọc và hiểu rất sâu về các nội dung của cả nhóm, đồng thời sẽ rèn luyện được kỹ năng giao tiếp và trình bày vấn đề mạch lạc.
- Thư ký: Tổng hợp lại tài liệu từ mọi người, biên soạn, chỉnh sửa chúng trước khi nộp, thiết kế slide. Vị trí này giúp bạn rèn luyện tư duy tổng hợp, khả năng viết lách, con mắt thiết kế…
Bạn chê tôi làm slide xấu là powerpoint-shaming :))
Ngoài ra, khi tham gia các lớp học theo hình thức tín chỉ, bạn hoàn toàn có thể xin ứng tuyển vào các vị trí cán bộ lớp. Thông thường các công việc này không tốn quá nhiều thời gian, nhưng bạn lại có cơ hội được làm việc với thầy cô, là người đầu tiên nhận tài liệu – đề cương môn học… nên sẽ rất hữu ích trong quá trình học, ôn thi và cả sau khi kết thúc môn.
Khi lên giảng đường hãy nhớ đến sớm, chọn vị trí ngồi ở các khu vực bàn đầu, thường xuyên giao tiếp, trao đổi với giảng viên. Nếu học Online thì hãy chủ động bật Camera, bật MIC phát biểu, Chat / Reaction để đưa ý kiến… trong suốt buổi học và bất cứ khi nào được giảng viên cho phép. Là một sinh viên chủ động, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm và hành trình học tập thú vị, ghi nhớ kiến thức sâu hơn rất nhiều.
7. CHÚ Ý ĐẾN ĐIỂM GPA / CPA VÀ CÓ CHIẾN LƯỢC ĐIỂM SỐ HỢP LÝ
Chúng ta đều biết, điểm số không phải là tất cả. Tuy nhiên, dưới con mắt nhà tuyển dụng, khi nhìn vào CV của 1 bạn sinh viên xin đi thực tập hay 1 bạn mới tốt nghiệp – khi mà các kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều – thì điểm trung bình (GPA/CPA) có thể coi là tấm vé thông hành của các bạn ứng viên. Một điểm số tốt không hoàn toàn minh chứng cho ứng viên có kỹ năng chuyên môn tốt, nhưng ít nhất là bằng chứng tốt cho những cố gắng, nỗ lực, khả năng vượt qua áp lực và giải quyết vấn đề của mỗi người. Điểm số cũng là điều kiện quan trọng để bạn xét các học bổng hoặc đăng ký các chương trình du học, trao đổi.
Bạn có thể không cần phải học tốt ở tất cả các môn, nhưng nếu có một chiến thuật học tập và chú ý đến điểm số thì bạn chắc chắn sẽ có cho mình mức điểm CPA/ GPA đủ ổn. Hãy ghi nhớ và nắm chắc các mốc điểm quy đổi giữa điểm số & điểm chữ ở đại học, nằm lòng cách tính điểm học phần, trọng số giữa bài thi giữa kỳ – cuối kỳ… để có chiến thuật phù hợp. Nếu bài thi giữa kỳ không được tốt thì hãy bù lại bằng bài tập lớn/ bài thi cuối kỳ, chăm chỉ phát biểu, chữa bài tập cho lớp… Nếu kỳ này có vài môn khó nhằn thì hãy lựa chọn 1 vài môn “dễ thở” để cân bằng và giữ ổn định cho bảng điểm.
Hãy tự thiết kế các bảng tính Excel để tính toán và có mục tiêu cụ thể về điểm số cho từng bài thi, từng môn học cần đạt được để đóng góp vào mục tiêu cả kỳ / cả năm học, đo lường kết quả so sánh với mục tiêu mong muốn. Đừng để “gục ngã trước thiên đường” với những mốc điểm: 3.95/10 hay 8.4/10 hoặc 3.19/4.0… bởi nếu có tính toán và chuẩn bị trước thì chắc chắn kết quả của bạn sẽ ổn hơn rất nhiều và không phải tiêc hùi hụi sau này.
Hầu hết các trường Đại học hiện nay đề có học bổng khuyến khích học tập. GPA cao sẽ có cơ hội nhận học bổng – kiếm thêm thu nhập. Mình đã có bài viết chia sẻ về chủ đề này. Các bạn có thể xem tại đây.
8. ĐỪNG BỎ LỠ CÁC THÔNG TIN HỌC BỔNG
Nếu bạn có kết quả học tập từ mức khá trở lên thì đừng bỏ lỡ cơ hội apply các học bổng trong và ngoài nhà trường. Thực ra hiện nay các bạn sinh viên có rất nhiều các học bổng tài trợ từ cả nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Mỗi học bổng lại có những tiêu chí xét chọn riêng, đôi khi không nhất thiết cần phải có điểm số xuất sắc.
Học bổng không chỉ giúp đỡ về tài chính cho bản thân bạn mà còn là cơ hội để bạn rèn luyện kỹ năng chuẩn bị hồ sơ apply, kỹ năng phỏng vấn, hay thiết lập mục tiêu. Ngoài ra có rất nhiều học bổng xịn nhưng không nhiều bạn biết đến để apply, do đó đừng ngần ngại “trượt vỏ chuối” mà bỏ qua việc Apply các học bổng bạn nhé!.Các học bổng có thể chia thành một số nhóm:
Học bổng hỗ trợ học phí của nhà trường, tổ chức: Hầu hết học bổng loại này được xét chọn tự động dựa trên kết quả học tập, điều kiện hoàn cảnh gia đình của sinh viên và có tính chất thường kỳ / thường niên. Do đó bạn chỉ cần nắm được các tiêu chí cần thiết để phấn đấu hoặc đăng ký với các thầy cô. Thông tin học bổng sẽ được đăng tải trên website và các kênh truyền thông của nhà trường như Phòng đào tạo, phòng Công tác sinh viên, Văn phòng Khoa –Viện, Đoàn – Hội…
Học bổng tài trợ của doanh nghiệp: Sẽ được xét chọn dựa trên tiêu chí của doanh nghiệp, thường được cấp theo từng ngành nghề, đôi khi sẽ có những ràng buộc việc làm sau khi tốt nghiệp. Giá trí các học bổng này thông thường từ một vài triệu đến cả trăm triệu, và mức độ khắt khe chọn lựa để đạt được cũng sẽ khác nhau. Thông tin học bổng này có ở trên các trang web phòng Hợp tác đối ngoại của trường, phòng CTSV, các Website và trang thông tin của trực tiếp doanh nghiệp tài trợ…
Học bổng du học/ trao đổi du học sinh: Nhóm học bổng này thường đến từ các trường đại học lớn hoặc các Quỹ, tổ chức quốc tế. Đây sẽ là những cơ hội để bạn có trải nghiệm tuyệt vời tại các quốc gia khác & trở thành công dân toàn cầu. Với học bổng này, sẽ có nhiều tiêu chí khác nhau tùy theo từng trường đối tác hoặc các tổ chức, chính phủ các nước, nhưng chắc chắn sẽ cần bạn phải có khả năng ngoại ngữ rất tốt. Bạn có thể tìm kiếm thông tin về học bổng này trên website của các trường, Website của Đại sứ quán các nước hoặc các thông tin tại trang tin của Cục hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục Đào tạo…
9. SỬ DỤNG EMAIL @EDU CỦA TRƯỜNG ĐÚNG CÁCH
Có rất nhiều lợi ích khi bạn sử dụng email của trường khi đăng ký sử dụng các dịch vụ online như:
Trước đây Google có rất nhiều ưu đãi cho mail giáo dục (@Edu) nhưng từ cuối năm 2021 Google đã thay đổi một số chính sách. Chi tiết xem tại đây
Các thay đổi chủ yếu vào dung lượng lưu trữ (cloud storage)
Nếu hệ thống email của trường bạn sử dụng dịch vụ của Microsoft Office Online thì bạn sẽ được dùng bộ Office 365 Online miễn phí, bao gồm lưu trữ trên One Drive và các phần mềm Microsoft Words, Excel, Powepoint…
Sử dụng công cụ/dịch vụ Online với mức giá ưu đãi:
• Adobe Creative Cloud giảm giá chỉ còn $7/tháng.
• Evernote giảm 50% Apple music: 29k/tháng.
• Notion for education.
• Youtube Music và Youtube Premium giảm giá 50%.
• Coursera được free một số khóa học.
• Canva Pro for Education.
• Tiết kiệm được một khoản phí khi sử dụng Spotify bằng email EDU (Giảm 50%)
Miễn phí nhiều dịch vụ Microsoft Office 365 Online (bao gồm Word, Excel, Powerpoint, Outlook, MS Teams…).Tất cả các phần mềm của Autodesk: bạn có thể trải nghiệm các ứng dụng AutoCAD, 3Ds Max,… với Student Lience.
Amazon Prime – sử dụng miễn phí 6 dịch vụ Prime dành cho khách hàng VIP của Amazon trong vòng 6 tháng như: mua hàng hot giá rẻ, giao hàng siêu nhanh, xem video, đọc sách, lưu trữ ảnh
Amazon Web Services (AWS) là dịch vụ điện toán đám mây phổ biến và mạnh mẽ, bao gồm các dịch vụ Amazon EC2, Amazon EMR và Amazon S3: Bạn sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi và có Credit 30$ để sử dụng
Github miễn phí 5 private Repo.: Github (education.github.com/pack) với các gói bên trong có nhiều ưu đãi dành cho edu email có thể kể đến như: name.com, namecheap, awseducate, digital ocean, bootstrap, canva, techdomain, testmail.app, onemonth, github, education host… hoặc free cả SSL certificate – chứng chỉ bảo mật với giá hàng nghìn đô, nhưng được dùng miễn phí khi sử dụng edu email.
Dân Data có email EDU sẽ được miến phí 1 năm học trên Tableau
SALE mua sắm giảm giá từ các thương hiệu lớn:
- Nike.com giảm 10% cho các bạn dẳng email EDU.
- Adidas.com giảm lên đến 30% tổng đơn hàng. Con số này sẽ khác nhau tuỳ quốc gia cụ thể.
- Apple.com thường có giảm giá cho từng sản phẩm cụ thể khoảng $100 hoặc $200 tuỳ đợt.
- Dell có nhiều chương trình giảm giá thay đổi liên tục. Tham khảo thêm tại DellUniversity.com
- FPT Shop, Thế giới di động và rất nhiều đơn vị khác cũng có chính sách ưu đãi, giảm giá dành riêng cho sinh viên
10. THAM GIA CÁC TỔ CHỨC: ĐOÀN – HỘI – CÂU LẠC BỘ ĐỂ XÂY DỰNG NETWORKING
Khi bạn vừa chập chững vào trường, việc không quen biết nhiều người chắc chắn sẽ khiến bạn gặp những khó khăn nhất định. Và rồi các CLB, đội nhóm xuất hiện. Ở đó bạn được gặp gỡ nhiều bạn đồng trang lứa, các anh chị tiền bối sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ mình. Dần dần, bạn sẽ thích nghi với môi trường đại học và có thêm những mối quan hệ mới. Với bản thân mình, việc lựa chọn tham gia vào các hoạt động xã hội suốt 4 năm ĐH đã giúp mình rèn luyện nhiều kỹ năng, phát triển khả năng lãnh đạo và là yếu tố quan trọng để mình có được công việc như ngày hôm nay.
Thông thường, các tổ chức hoạt động xã hội của các trường Đại học sẽ gồm:
Tổ chức chính chị – xã hội: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường. Trong đó Đoàn Thanh niên là tổ chức chính trị, chính thống và có ở tất cả các trường. Còn Hội Sinh viên thì là tổ chức dành riêng cho sinh viên và hoạt động vì quyền và lợi ích chính đáng của sinh viên. Hai tổ chức này đều có hệ thống nhiều cấp: từ cấp Trung ương ở phạm vi toàn quốc (và cả nước ngoài) đến cấp tỉnh, thành phố, rồi cấp trường, cấp khoa viện… Đây cũng là tổ chức thường được nằm trong cơ cấu tổ chức của nhà trường và đầu mối quản lý các đơn vị, CLB/ Đội nhóm ở cấp dưới.
Các CLB đội nhóm năng khiếu – sở thích: Các CLB như Âm nhạc, Guitar, MC, Nhảy, Hiphop, Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, E-Sport…sẽ là những sân chơi và cộng đồng giúp bạn thỏa sức với đam mê của bản thân, giải tỏa sau những giờ học tập căng thẳng.
Các CLB học thuật / Labs nghiên cứu: Các câu lạc bộ học thuật thường định hướng tập trung theo lĩnh vực đào tạo chuyên ngành của mỗi Khoa/ Viện /Trường. Bên cạnh việc, mang tính chất học thuật, chuyên môn cao thì các CLB này cũng thường là nơi tập hợp của các “cao thủ học hành”, thợ ăn học bổng ở mỗi trường. Và hầu hết, các CLB loại này sẽ được các thầy cô, chuyên gia trong ngành hoặc các doanh nghiệp “bảo trợ” ở phía sau. Vì vậy việc tham gia vào các CLB học thuật không chỉ giúp bạn gia tăng kiến thức chuyên ngành mà còn mở rộng networking với các thầy cô, anh chị cựu sinh viên và doanh nghiệp, là điều kiện tuyệt vời để hỗ trợ cho công việc trong tương lai
Các Đội Tình nguyện: Việc tham gia các hoạt động tình nguyện như: Màu hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện, Hỗ trợ hiến máu… sẽ là cơ hội để các bạn đóng góp sức trẻ cho cộng đồng và là những kỷ niệm tuyệt đẹp trong thời sinh viên mà bạn không muốn bỏ lỡ đâu.
Hãy lựa chọn các CLB / tổ chức xã hội phù hợp với bản thân để tham gia và không nên quá sa đà vào hoạt động xã hội mà bỏ bê việc học nha!
11. LỰA CHỌN CHỖ Ở: AN CƯ LẠC NGHIỆP
Ngoại trừ các bạn nhà ở TP. Hồ Chí Minh, thì đa số chúng ta có 2 lựa chọn về nơi ở là Ký túc xá và nhà trọ. Mỗi nơi đều có những ưu và nhược điểm riêng, trước khi lựa chọn ta nên xét đến các yếu tố như điều kiện kinh tế gia đình và sở thích cá nhân để biết đâu là nơi phù hợp để mình ‘nương thân’ trong 4-5 năm sắp tới.
Nếu phải đi tìm phòng trọ, hãy tham khảo các group / nguồn thông tin uy tín, đồng thời cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo nhé. Trước khi thuê trọ cần phải xem xét rõ ràng các hợp đồng với các yếu tố quy định về tiền thuê, tiền cọc, giá điện nước, các dịch vụ liên quan và cả các yếu tố về an ninh nữa.
Nếu ở Ký túc xá thì nhìn chung sẽ “khổ” hơn ở trọ ngoài một chút, nhưng bù lại thường khá gần trường, thuận tiện cho việc đi lại và tham gia các hoạt động xã hội. Chi phí ở KTX cũng rất rẻ nếu so với ở ngoài. Và đặc biệt, ở KTX thì vui vô cùng và có cơ hội làm quen với thêm nhiều bạn mới.
Thời gian ở KTX có lẽ là quãng thời gian vui nhất, bạn được làm quen với nhiều bạn mới, được trải nghiệm những buổi trà đá, chơi game xuyên đêm, rồi cả phòng cùng ôn thi, luyện đề với nhau. 4 năm Đại học, hãy thử đăng ký ở ký túc xá ít nhất một lần bạn nhé!
12. TÌM CÔNG VIỆC PARTIME PHÙ HỢP
Đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất – năm 2, thì thực ra không có quá nhiều công việc “bàn giấy” nhàn hạ, hoặc công việc liên quan đến ngành học hiện tại. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm một công việc nhỏ phù hợp với thế mạnh của bản thân. Nếu bạn có kiến thức phổ thông tốt và khả năng truyền đạt thì hãy đi làm gia sư. Nếu bạn biết thiết kế đồ họa hoặc có chút khiếu viết lách, bạn có thể làm CTV Design part time hoặc CTV Content cho các tổ chức. Nếu bạn thích các công việc năng động và được rèn nhiều về kỹ năng giao tiếp thì bạn có thể apply làm nhân viên kinh doanh. Hoặc cũng có thể làm các công việc phục vụ, bưng bê, pha chế tại các quán cà phê, trà sữa, nhà hàng… Việc làm thêm ở thời điểm năm 1-2 theo mình là chưa nên, nếu không chịu quá nhiều áp về kinh tế.
Từ cuối năm 2 hoặc sang năm 3 trở đi, hãy ưu tiên các công việc thực tập partime gần hoặc liên quan trực tiếp đến ngành học / định hướng công việc tương lai của bạn. Hãy chuẩn bị và tích lũy cho bản thân các kiến thức, kỹ năng cơ bản về ngành/nghề & nhờ các thầy cô, anh chị khóa trên giới thiệu những công việc phù hợp. Các kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy tại thời điểm này sẽ là bàn đạp vững chắc để bạn có thể sẵn sàng cho các vị trí chính thức trong tương lai, mở rộng networking nghề nghiệp và có nhìn nhận đúng đắn hơn việc cần phải học và rèn luyện như thế nào.
Tuy nhiên, mình vẫn nhắc lại một câu không bao giờ là thừa. Việc học vẫn đặt lên hàng đầu nhé.
13. HÃY DÀNH THỜI GIAN THAM GIA CÁC WORKSHOP / SEMINAR NGHỀ NGHIỆP
Ngoài việc tự học ở trường hay tham gia họat động phong trào, hãy để ý trên các cộng đồng nghề nghiệp, hội nhóm của trường, bạn sẽ thấy có rất nhiều các chương trình hội thảo, Talkshow, workshop… được tổ chức bởi cả các đơn vị trong và ngoài trường.
Đặc biệt hiện nay, các chương trình được tổ chức Online, do đó, việc tham gia sẽ càng dễ dàng, thuận tiện hơn. Và hầu như 100% các chương trình được tổ chức hoàn toàn miễn phí.
ERO – Phòng Quan hệ Doanh nghiệp trường ĐH SPKT TP.HCM và các Khoa/TT/Phòng ban khác của trường rất thường xuyên tổ chức các buổi webinar, hội thảo, tham quan, thực tập, việc làm cho các bạn Sinh viên hãy theo dõi fanpage để thường xuyên cập nhật các thông tin hữu ích khác! Tham gia các chương trình này, bạn sẽ được học hỏi từ những chuyên gia trong nghề, được định hướng bởi các anh chị đi trước, đồng thời mở rộng networking cho bản thân. Có những cuộc trò chuyện sẽ mang lại giá trị nhiều hơn cả ngàn trang sách. Vì vậy hãy tận dụng nó nhé!
14. BÌNH TĨNH THÍCH NGHI GIỮA TRẠNG THÁI VUCA
Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng “VUCA”
Covid đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống, hoạt động và học tập. Mình phải thích nghi với những diễn biến, những thay đổi và chịu khó tìm hiểu những công nghệ, những công cụ giúp việc học Online trở nên thú vị, tiện lợi và hiệu quả hơn.Tiếp nhận thông tin có chọn lọc: Tránh xa tin giả, hạn chế tiếp cận với những tin tiêu cực để ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của mình. Hãy thật sự suy nghĩ tích cực. Chuẩn bị tâm lý cho trạng thái VUCA kéo dài.