Giọng đọc bài viết được tạo bởi AI (generated by AI).
Trong phần mở đầu của quyển sách Man’s Search for Meaning của Viktor Frankl nhà tâm lý học người Áo, “Đừng nhắm đến thành công – bạn càng nhắm đến nó và biến nó thành một mục tiêu, bạn càng bỏ lỡ nó. Bởi vì thành công, cũng như hạnh phúc, không thể tìm kiếm mà có, nó phải được sản sinh ra như một tác dụng phụ không được dự tính trước từ sự phụng hiến cá nhân của một người cho một hành trình cao cả hơn chính bản thân người đó” (Xem thêm quan niệm về hạnh phúc trong công việc trong “Đúng việc”)
Hạnh phúc
Hạnh phúc không phải là một cái gì đó đơn giản xảy ra. Nó không phải là kết quả của vận may hay sự ngẫu nhiên. Nó không phải thứ mà tiền bạc có thể mua hay quyền lực có thể chi phối được. Nó không phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh, mà chính xác hơn, nó phụ thuộc vào cách chúng ta diễn giải về những điều kiện ngoại cảnh đó. Hạnh phúc, trên thực tế, là một trạng thái cần phải được chuẩn bị, được vun bồi và được bảo vệ một cách riêng tư, bởi mỗi cá nhân. Những người học được cách kiểm soát trải nghiệm nội tại của mình, sẽ có khả năng quyết định được chất lượng cuộc sống của họ và điều này khiến gần như tất cả chúng ta đều có cơ hội trở nên hạnh phúc.
Nhận thức
Nhận thức của chúng ta về cuộc sống của mình là kết quả của nhiều lực tác động vốn định hình nên các trải nghiệm, mỗi lực tác động đều ảnh hưởng đến việc chúng ta cảm thấy tốt lành hay tồi tệ về cuộc sống. Hầu hết các lực tác động này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Không có nhiều điều ta có thể làm để tác động lên ngoại hình, tính khí, hay thể chất của mình. Chúng ta không thể quyết định được – ít nhất cho tới hiện nay – rằng mình sẽ cao đến mức nào hay thông minh ra sao. Chúng ta không thể lựa chọn bố mẹ cũng như thời điểm chào đời và cả bạn lẫn tôi đều không có quyền hạn để quyết định có xảy ra một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hay một cơn trầm cảm liệu có ập tới với mình hay không. Các thông tin được chứa trong gen di truyền của chúng ta, lực hút của trọng lực, lượng phấn hoa bay trong không khí, giai đoạn lịch sử mà ta được sinh ra – những điều đó và vô số những điều kiện khác – quyết định điều chúng ta nhìn nhận, cách ta cảm nhận và hành động ta làm. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta thường được khuyên là nên tin rằng số phận của ta chủ yếu được định đoạt bởi các yếu tố bên ngoài.
Tuy vậy, chúng ta đều từng trải qua những thời khắc mà thay vì bị vùi dập tơi tả bởi những lực tác động ẩn danh, chúng ta lại cảm thấy tự kiểm soát được các hành động của mình, làm chủ được số phận của chính mình. Trong những lần hiếm hoi mà chuyện đó diễn ra, chúng ta cảm nhận một trạng thái hưng phấn, một cảm giác sâu sắc của sự thích thú được ấp ủ từ lâu và trải nghiệm đó trở thành một bước ngoặt trong ký ức, thay đổi nhận thức của chúng ta về việc cuộc sống nên như thế nào.
Vũ trụ không có ý thù địch, song nó cũng không thân thiện. “Nó đơn giản là không quan tâm.”
theo lời của J.H. Holmes.
Chúng ta lớn lên với niềm tin rằng những gì đáng giá nhất trong cuộc đời của mình sẽ xuất hiện ở tương lai.
Các bậc cha mẹ dạy con cái rằng nếu chúng học được các thói quen tốt bây giờ thì chúng sẽ trở nên tốt đẹp khi trưởng thành. Các giáo viên đảm bảo với học sinh, sinh viên rằng các lớp học nhàm chán sẽ có lợi ích sau này, khi họ tìm việc làm. Phó chủ tịch công ty dặn dò các nhân viên mới hãy kiên nhẫn và làm việc chăm chỉ, vì một ngày nào đó họ sẽ được thăng chức lên cấp bậc điều hành. Ở cuối cuộc hành trình đấu tranh dai dẳng cho sự thăng tiến là những năm tháng nghỉ hưu tuyệt vời đang vẫy gọi. Như Ralph Waldo Emerson đã từng nói: “Chúng ta luôn chuẩn bị để sống, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự sống”. Hay như những người nghèo ở Pháp đã học được từ truyện kể thiếu nhi, rằng luôn luôn là bánh mì và mứt cho ngày mai, chứ chẳng bao giờ là bánh mì và mứt cho hôm nay.
Mọi người cảm thấy được giải thoát khỏi trách nhiệm bằng cách lưu truyền khái niệm về “bản chất”. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận các sự thật thuộc về bản chất, nhưng chúng ta chắc chắn nên cố gắng cải thiện chúng.
Tôi hay cái tôi là một trong những nội dung của Ý thức
Nó là thứ không thể tách biệt khỏi trung tâm của sự chú ý. Đương nhiên cái Tôi của riêng tôi tồn tại duy nhất trong Ý thức của chính tôi; và sẽ có nhiều phiên bản của nó tồn tại trong Ý thức của những người biết đến tôi mà hầu hết họ hẳn không nhìn nhận giống với cái tôi “nguyên gốc” như chính tôi nhìn nhận bản thân mình.
Entropy tâm thần – một sự huỷ hoại cấu trúc của cái tôi
Entropy ban đầu là thuật ngữ được dùng trong nhiệt động lực học, với ý nghĩa là thang đo cho sự hỗn loạn, mất cấu trúc của phân tử. Thuật ngữ Entropy về sau được dùng trong một vài ngành khoa học xã hội (bao gồm tâm lý học, với người khởi xướng là Carl Jung), khoa học thông tin, với ý nghĩa tương tự nhau: Chỉ tính vô trật tự, hỗn loạn, mất cấu trúc của chủ thể đi kèm với thuật ngữ này.
Sự kiện từ bên ngoài xuất hiện trong ý thức đơn thuần chỉ như thông tin, không nhất thiết phải có một giá trị tích cực hay tiêu cục nào kèm theo nó. Chính cái tôi diễn giải thông tin thô đó theo ngữ cảnh của những mối quan tâm của riêng nó và quyết định xem liệu thông tin đó có nguy hại hay không.
Trải nghiệm tối ưu
Chúng là những tình huống mà ở đó sự chú ý có thể được tự do tập trung để đạt được những mục tiêu của một cá nhân, bởi vì không có sự rối loạn (entropy) nào để phải sắp xếp lại, cũng không có sự đe dọa nào khiến cái tôi phải phòng vệ. Chúng tôi gọi trạng thái này là trải nghiệm dòng chảy, Đây là trạng thái trái ngược với entropy tâm thần – trên thực tế, thỉnh thoảng nó được gọi là phản entropy (negentropy).
Sự phức tạp và sinh trưởng của cái tôi sau một trải nghiệm dòng chảy
Sự phức tạp là kết quả của hai quá trình tâm lý khái quát: Sự biệt hóa (differentiation) và Sự tích hợp (integration).
Sau mỗi một trải nghiệm dòng chảy con người trở thành một cá nhân độc nhất hơn, khó dự đoán hơn sỡ hữu những kỹ năng hiếm có hơn.
Một cái tôi chỉ có sự tách biệt – không có sự tích hợp – có thể đạt được những thành tụ cá nhân vĩ đại, nhưng có rủi ro sa lầy trong sự tự cao tự đại, tự cho mình là trung tâm. Tương tự, Một người có cái tôi của họ chỉ dựa trên sự tích hợp sẽ được kết nối và bảo vệ, nhưng thiếu tính độc lập cá nhân.
Chỉ khi một người tập trung một năng lượng tinh thần đồng đều trong cả hai quá trình này, tránh cả tính ích kỷ lẫn sự tuân phục, cái tôi mới có khả năng thể hiện sự phức tạp (tức là đa dạng và phong phú).
Cái tôi trở nên phức tạp nhờ vào trải nghiệm dòng chảy. Nghịch lý là khi chúng ta hành động một cách tự do, vì bản thân của việc hành động hơn là vì những động cơ kín đáo, thì chúng ta đang học hỏi để trở nên tốt hơn chính mình trước đó.
Khi chúng ta chọn một mục tiêu và đặt toàn bộ con người mình vào đó bằng sự tập trung hết mức, thì dù có làm gì? chúng ta cũng sẽ thấy vui. Và một khi đã nếm được niềm vui này, chúng ta sẽ nỗ lực gấp đôi để nếm được mùi vị đó lần nữa. Đây là cách mà cái tôi sinh trưởng.
Hai chiến lược chính mà chúng ta có thể áp dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình
- Một là, cố gắng thay đổi các điều kiện bên ngoài sao cho chúng tương thích với các mục tiêu của chúng ta.
- Hai là, thay đổi cách chúng ta trải nghiệm các điều kiện bên ngoài, để khiến chúng tương thích tốt hơn với các mục tiêu của chúng ta.
Cả hai chiến lược này đều không có hiệu quả nếu chỉ được áp dụng riêng rẽ. Thay đổi các điều kiện bên ngoài có thể trông có vẻ hiệu quả vào lúc đầu, nhưng nếu một người không có khả năng kiểm soát ý thức của mình, thì những nỗi sợ hãi hay ham muốn cũ sẽ sớm quay trở lại, làm sống dậy những lo âu trước đó.
Người ta sẽ không thể xây dựng một cảm giác an toàn nội tại trọn vẹn ngay cả khi mua đứt cho riêng mình một hòn đảo và bố trí quanh đó thật nhiều vệ sĩ được vũ trang và những con chó dữ.
Thực tế là chất lượng cuộc sống không phụ thuộc trực tiếp vào những gì người khác nghĩ về chúng ta hay về những gì ta sở hữu. Thay vào đó, điểm mấu chốt là chúng ta cảm thấy thế nào về bản thân và về những gì xảy đến với mình. Để cải thiện chất lượng cuộc sống, người ta cần phải cải thiện chất lượng của trải nghiệm.
Các thành tố tạo ra cảm giác thưởng thức sâu sắc
- Một, trải nghiệm đó thường xảy ra khi chúng ta đương đầu với các nhiệm vụ mà chúng ta có khả năng hoàn thành.
- Hai, chúng ta phải có khả năng tập trung vào những gì ta đang làm. Hiểu rõ mục đích và cảm nhận đánh giá những phản hồi
- Ba và bốn, sự tập trung thường là khả dĩ vì nhiệm vụ được thực hiện có những mục tiêu rõ ràng và cung cấp sự phản hồi tức thời.
- Năm, người ta hành động với sự dự phần sâu sắc nhưng tốn ít nỗ lực, giúp loại bỏ nhận thức về những nỗi lo lắng và thất vọng trong cuộc sống hằng ngày.
- Sáu, các trải nghiệm thú vị cho phép mọi người rèn luyện cảm giác kiểm soát các hành động của họ.
- Bảy, mối bận tâm về cái tôi tạm thời biến mất, nhưng nghịch lý là cảm giác về cái tôi sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau khi trải nghiệm dòng chảy kết thúc.
- Và cuối cùng, cảm giác về thời gian trôi qua bị biến đổi; hàng giờ đồng hồ trôi qua như trong vài phút và vài phút có thể như kéo dài ra hàng giờ. Sự kết hợp của tất cả các thành tố này tạo ra cảm giác thưởng thức sâu sắc, khiến người ta cảm thấy xứng đáng với việc tiêu tốn một nguồn năng lượng to lớn chỉ đơn giản để cảm nhận được nó.
Sự thưởng thức đến từ bất cứ khi nào cơ hội hành động mà cá nhân nhận thấy là tương đồng với khả năng của họ. Vd: 2 đối thủ ngang tài ngang sức, một bản nhạc dễ nghe,..
Chúng ta nên nhất trí với chính mình về thực tế rằng không có gì trên đời là hoàn toàn tích cực; mọi sức mạnh đều có thể bị lạm dụng. Tình yêu có thể dẫn đến sự tàn nhẫn, khoa học có thể tạo ra sự hủy diệt, công nghệ không được kiểm soát sẽ tạo ra ô nhiễm. Lửa sưởi ấm hoặc làm bỏng; năng lượng nguyên tử có thể tạo ra điện hoặc có thể xóa sổ thế giới. Năng lượng là sức mạnh, nhưng sức mạnh chỉ là một phương diện. Các mục tiêu mà sức mạnh được áp dụng có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn hoặc đau đớn hơn.
Chúng ta phải liên tục đánh giá lại những gì chúng ta làm, không để thói quen và sự hiểu biết của quá khứ làm chúng ta mù quáng trước những khả năng mơi. Tuy nhiên, sẽ là dại dột nếu bỏ qua một nguồn năng lượng chỉ vì nó có thể bị lạm dụng. Nếu loài người cố gắng loại bỏ lửa chỉ vì nó có thể được sử dụng để thiêu hủy mọi thứ thì chúng ta đã không thể tiến hóa vượt trội hơn loài vượn. Như Democritus’ từ nhiều thế kỷ trước đã phát biểu đơn giản: “Nước có thể vừa tốt vừa xấu, hữu ích và nguy hiểm.”
Tuy nhiên, đối với sự nguy hiểm, một biện pháp khắc phục đã được tìm thấy: “học bơi”. “Bơi”, trong trường hợp của chúng ta, bao gồm việc học cách phân biệt các hình thức hữu ích và gây hại của trải nghiệm dòng chảy, sau đó tận dụng tối đa trải nghiệm hữu ích và đặt giới hạn cho trải nghiệm gây hại
Tiên tri là một đặc trưng chung của văn hoá, là một sự nổ lực để vượt ra khỏi những ràng buộc của hiện tại và có cái nhìn thoáng qua về những gì đang xảy ra. Một hoạt động trần tục mà trong đó con người cố gắng khôn ngoan hơn người khác hoặc cố chiến thắng số phận.
Khi nghịch cảnh đe dọa làm tê liệt chúng ta, chúng ta cần giành sự kiểm soát bằng cách tìm một hướng đi mới để đầu tư năng lượng tinh thần vào đó, một hướng đi nằm ngoài tầm với của những tác động bên ngoài. Khi mỗi khát vọng vụn vỡ, con người vẫn phải đi tìm một mục tiêu ý nghĩa quanh mình để tổ chức lại cái tôi của họ. Khi đó, dù khách quan người đó có là một nô lệ, thì anh ta cũng tự do một cách chủ quan.
Một hoạt động thể chất đơn giản cũng có thể trở nên thú vị nhờ các bước biến đổi để tạo thành dòng chảy
Những bước đi cốt yếu trong quá trình xử lý này là:
- (a) lập ra một mục tiêu toàn thể và càng nhiều mục tiêu phụ khả thi trên thực tế càng tốt;
- (b) tìm những cách đo lường tiến độ theo các mục tiêu đã chọn;
- (c) giữ sự tập trung vào những gì đang làm và liên tục tạo ra sự khác biệt rõ ràng hơn trong những thử thách liên quan với hoạt động;
- (d) phát triển kỹ năng cần thiết để tương tác với các cơ hội có sẵn;
- và (e) tăng độ khó nếu hoạt động trở nên nhàm chán.
Tình dục như dòng chảy
Sự “chuyên nghiệp” của hoạt động tình dục đã phát triển lên một tầm cao nhất định. Nhưng nó góp phần rất ít trong việc trực tiếp cải thiện chất lượng trải nghiệm của hầu hết mọi người.
Sự lãng mạn dường như bị giới hạn chỉ ở giới trẻ và ở những ai có thời gian lẫn tiền bạc để đắm chìm trong nó; đại đa số người dân trong mọi nền văn hóa đều có một đời sống tình dục tẻ nhạt. Những người “đứng đắn” trên đời không dành quá nhiều năng lượng cho nhiệm vụ sinh sản hữu tính, hay cho những hoạt động được xây dựng dựa trên nó. Sự lãng mạn cũng giống với thể thao ở khía cạnh này: thay vì tự thực hiện nó, hầu hết mọi người đều thỏa mãn với việc nghe về nó hoặc xem vài chuyên gia trình diễn nó.
Có lẽ đúng khi nói rằng con người, cũng giống như phần lớn động vật có vú khác, về bản chất là không hề có thiên hướng một vợ một chồng. Trừ khi họ nổ lực để khám phá thêm những thử thách mới trong sự bầu bạn cùng nhau và học những kỹ năng thích hợp để làm giàu thêm cho mối quan hệ.
Họ phải đầu tư sự chú ý cho nhau – để có thể đọc được những suy nghĩ lẫn cảm xúc, những ước mơ chất chứa trong tâm trí người thương của mình. Bản thân việc này vốn là một quá trình không bao giờ kết thúc, một nhiệm vụ của cả cuộc đời.
Nếu có điều gì đang xảy ra với triết gia của họ thì đó chính là sự lành mạnh hết sức. Ông không mất trí; ông chỉ lạc vào dòng chảy suy nghĩ.
Nghịch lý về việc làm: Bận/ Rãnh rỗi
Trong công việc, người ta thấy mình có kỹ năng và được thử thách, thế nên họ cảm thấy vui vẻ, mạnh mẽ, sáng tạo và hài lòng hơn. Vào thời gian rảnh rỗi, nhìn chung họ cảm thấy chẳng có gì nhiều để làm và những kỹ năng của họ đang không được sử dụng, nên họ có chiều hướng cảm thấy buồn, yếu đuối, uể oải và không thỏa mãn hơn. Ấy thế nhưng họ lại muốn làm việc ít đi và dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.
Những người học cách thưởng thức công việc của họ, những người không lãng phí thời gian rãnh rỗi, đều cảm thấy toàn bộ cuộc sống của họ trở nên đáng giá hơn. C. K. Brightbill đã viết rằng “Tương lai không chỉ thuộc về người có học, mà còn thuộc về người học được cách sử dụng thời gian rãnh của mình một cách hợp lý”.
Mặc dù con người nhìn chung đều mong mỏi được rời nơi làm việc để đi về nhà, sẵn sàng tận dụng hết thời gian rảnh rỗi mà khó khăn lắm mới có được, nhưng tất cả lại thường chẳng có chút ý tưởng nào về những gì nên làm trong khoảng thời gian đó. Trớ trêu thay, công việc lại dễ dàng để thưởng thức (trải nghiệm tối ưu) hơn là thời gian rảnh, bởi vì cũng giống như các hoạt động dòng chảy, công việc hình thành nên những mục tiêu, phản hồi, luật lệ và những thử thách, mà tất cả những thứ đó động viên người ta chìm đắm vào công việc của họ, để tập trung và quên đi chính mình trong nó.
Trong khi đó, thời gian rảnh rỗi thì không được cấu trúc rõ ràng và cũng chẳng đòi hỏi nhiều nỗ lực để định hình thành thứ gì đó có thể thưởng thức được. Những sở thích cần có kỹ năng những thói quen lập ra các mục tiêu và giới hạn, những mối quan tâm cá nhân và đặc biệt là sự rèn luyện bên trong giúp thời gian rảnh trở thành cơ hội cho sự tái tạo lại, như nó vốn dĩ là thế. Nhưng nhìn chung mọi người đều đánh mất cơ hội thưởng thức thời gian rảnh rỗi thậm chí còn triệt để hơn khi họ đang trong giờ làm việc.
Thưởng thức sự cô độc và mối quan hệ với người khác
Chúng ta là những động vật mang tính xã hội; chỉ khi ở trong mối tương quan với những người khác, chúng ta mới cảm thấy đủ đầy, viên mãn.
Một khía cạnh nổi bật của tập tính cộng đồng: những sự kiện đau đớn nhất cũng là những sự kiện liên quan đến các mối quan hệ.
“Hell is other people” là câu nói nổi tiếng của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre người Pháp thế kỷ XX. Trong quan niệm của Sartre, tương quan của một người trải qua ba giai đoạn.
- Giai đoạn 1, tôi không ý thức về sự hiện diện của tha nhân (người khác), tôi là trung tâm trong thế giới của tôi.
- Giai đoạn 2, ý thức được sự hiện diện của người khác, tôi vẫn là trung tâm thế giới của tôi nhưng đã có sự hòa trộn với thế giới của người khác.
- Giai đoạn 3, người khác ý thức được sự hiện diện của tôi, tôi trở thành đối tượng nhận thức của người khác, cái nhìn của người khác khiến tôi ý thức về cách mà tôi hiện hữu. Ở đây tương quan giữa tôi và người khác có hai mặt. Một, người khác là mối đe dọa đến thế giới mà tôi tự thiết lập về minh. Hai, người khác nhìn thấy tôi như một sự tồn tại khách quan, họ nắm giữ một phần sự thật về tôi và thu hút tôi trong thế giới của họ.
Một tình huống xã hội có khả năng được biến đổi bằng cách xác định lại các vai trò trong tình huống đó.
Hình thành thói quen sử dụng sự cô độc để đạt được lợi thế
“Bất cứ ai thích thú với sự cô độc thì đó hoặc là một con thú hoang hoặc là một vị thần”
Để tận hưởng được việc ở một mình, một cá nhân phải xây dựng thói quen tinh thần của riêng mình. Người ta có thể vượt qua sự cô độc, nhưng chỉ khi người ta tìm ra cách xếp đặt trật tự cho sự chú ý để ngăn chặn trạng thái entropy phá huỷ tâm trí.
Lee Lacocca được mệnh danh là huyền thoại của nền công nghiệp ô tô nước Mỹ: “Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời và thành công. Nhưng đặt cạnh gia đình tôi, điều đó thực sự không có gì quan trọng cả”.
Các nhà xã hội học cho rằng lòng trung thành thuộc thân tộc, tỷ lệ thuận với số lượng gen mà hai người bất kỳ có chung với nhau. Điều này để đảm bảo rằng loại gen của dòng họ mình được bảo tồn và nhân rộng. Tuy nhiên, trong khi lập trình di truyền có thể khiến chúng ta gắn bó với các thành viên trong gia đình, thì bối cảnh văn hoá sẽ quyết định rất nhiều tới sức mạnh và định hướng của sự gắn bó đó.
Gia đình có thể khiến chúng ta vô cùng hạnh phúc, cũng có thể là một gánh nặng không thể chịu đựng được. Tuỳ thuộc vào việc các thành viên trong gia đình đầu tư bao nhiêu năng lượng tinh thần vào các mối quan hệ tương hỗ, cũng như vào những mục tiêu của nhau.
Để cuộc sống gia đình mang tính thưởng thức mang tính phức tạp cao, cần các mục tiêu mang tính dài hạn: Xây một ngôi nhà lý tưởng; cung cấp một sự giáo dục tốt nhất có thể cho con cái; hoặc thực hành lối sống tu tập giữa xã hội thế tục hiện đại. Ngoài ra cũng cần cung cấp liên tục các mục tiêu ngắn hạn. Chúng có thể là các nhiệm vụ đơn giản như: mua một chiếc ghế sofa mới; đi du lịch;…
Mục tiêu của gia đình phải mang cả tính biệt hoá (differentiated), lẫn tính tích hợp (integrated). Biệt hoá là mỗi người được khuyến khích phát triển những đặc điểm riêng biệt của mình, tối đa hoá các kỹ năng cá nhân, đặt ra các mục tiêu riêng biệt. Sự tích hợp đảm bảo rằng những gì xảy ra với một người sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Trong một gia đình có sự tích hợp, mục tiêu của mỗi người đều quan trọng đối với tất cả những người còn lại.
Nếu chính cha mẹ tham gia vào các hoạt động phức tạp và dễ hiểu tại nhà
Nếu cha mẹ thích chơi nhạc, nấu ăn, đọc sách, làm vườn, làm mộc hoặc sửa chữa động cơ, thì nhiều khả năng con cái họ sẽ tìm thấy những hoạt động tương tự mang tính thách thức và đầu tư đủ sự chú ý vào các hoạt động đó để bắt đầu tận hưởng được việc làm một việc gì đó mà sẽ giúp chúng phát triển.
Nếu cha mẹ nói nhiều hơn về lý tưởng và ước mơ của họ, ngay cả khi những điều đó đã trở thành vỡ mộng, thì những đứa con cũng có thể phát triển hoài bão cần thiết để thoát ra khỏi sự tự mãn của bản thân ở hiện tại.
Nếu không có việc gì khác để làm, thì thảo luận về công việc hoặc về những suy nghĩ và sự kiện trong ngày và cư xử với lũ trẻ như người trưởng thành, như những người bạn, cũng sẽ giúp chúng trong quá trình xã hội hóa, trở thành những người trưởng thành có suy nghĩ chín chắn.
Nhưng nếu người cha dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi ở nhà để sống một cuộc đời vô vị trước tivi với một ly rượu trong tay, con cái sẽ hiển nhiên cho rằng người lớn là những người nhàm chán không biết làm gì để vui về và chúng sẽ tìm đến các nhóm đồng đẳng để tìm kiếm niềm vui thú.
Sự thật rằng, gia đình giống bất kỳ tổ chức chung nào khác, đòi hỏi một sự đầu tư liên tục năng lượng tinh thần để đảm bảo sự tồn tại của nó.
Bất kỳ sự tham gia nào vào lĩnh vực cộng đồng đều có thể mang tính thưởng thức, miễn là người ta cấu trúc nó theo những tham số của trải nghiệm dòng chảy. Điều quan trọng là đặt mục tiêu, tập trung năng lượng tinh thần, chú ý đến phản hồi và đảm bảo thử thách đó phù hợp với kỹ năng của mình. Sớm hay muộn sự tương tác sẽ bắt đầu ngân nga và trải nghiệm dòng chảy sẽ theo cùng.
Khi một chàng trai trẻ hỏi Carlyle rằng anh ta nên cải cách thế giới bằng cách nào, Carlyle đã trả lời, “cải cách bản thân anh.
Theo cách đó, “sẽ bớt đi một kẻ bất lương trên đời”. Lời khuyên vẫn còn nguyên hiệu lực. Những người cố gắng làm cho cuộc sống tốt hơn dành cho mọi người mà không học cách kiểm soát cuộc sống của chính họ trước tiên thường sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đánh lừa sự hỗn loạn
Tuyên bố rằng bất kể điều gì xảy ra với một người, chỉ cần anh ta kiểm soát được ý thức thì anh ta vẫn sẽ hạnh phúc, là một tuyên bố lý tưởng hóa ngây thơ. Có những giới hạn nhất định trong việc mỗi người có thể chịu đựng nỗi đau, sự đói khát, hay sự mất mát đến chừng nào. Và cũng khá đúng, như Tiến sĩ Franz Alexander đã khẳng định rõ ràng, rằng: “Mặc cho sinh học và y học có phớt lờ khía cạnh tâm trí, thì thực tế rằng tâm trí điều khiển được cơ thể chính là sự thật cơ bản nhất mà chúng ta biết về diễn trình của cuộc sống”.
Một người không trở thành một người đàn ông bằng cách kết hôn, hay làm tình: trở thành một người đàn ông chân chính nghĩa là phải có trách nhiệm, phải biết khi nào cần nói, biết điều gì nên nói và biết khi nào phải giữ im lặng. (Reyad – một người Ai Cập, 33 tuổi. Người có lẽ sống giống Thích Minh Tuệ tại thời điểm này)
Một biến cố lớn làm mất đi mục tiêu trọng tâm của cuộc sống sẽ phá hủy cái tôi, buộc một người sử dụng tất cả năng lượng tinh thần của mình để dựng nên một rào chắn xung quanh những mục tiêu còn lại, bảo vệ chúng khỏi những sự tân công nữa từ số phận; hoặc nó sẽ tạo ra một mục tiêu mới cấp hơn, rõ ràng hơn: vượt qua những thử thách được sinh thất bại. Nếu người ta chọn con đường thứ hai, bi kịch không hẳn là một sự thiệt hại đối với chất lượng cuộc sống.
Sự khác biệt trong cách một người phản ứng lại những sự kiện gây căng thẳng được gọi là “khả năng đối phó” hay “kiểu đối phó”.
Ba loại tài nguyên giúp một cá nhân đối phó với sự căng thẳng
- Sự hỗ trợ sẵn có bên ngoài và đặc biệt là mạng lưới các sự hỗ trợ xã hội (bảo hiểm; sự yêu thương chăm sóc của những người thân,..)
- Nguồn tài nguyên tâm lý của người đó (sự thông minh, giáo dục, những yếu tố về tính cách có liên quan,..)
- Chiến lược mà người đó dùng để đối phó với sự căng thẳng
Có hai cách chính mà con người phản ứng với sự căng thẳng. Phản ứng tích cực được gọi là sự “phòng vệ trưởng thành” được đề xuất bởi George Vaillant, một nhà tâm lý học, người đã nghiên cứu cuộc sống thành công và tương đối thất bại của những sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard trong khoảng thời gian kéo dài tầm ba mươi năm; những người khác gọi phương pháp này là “đối phó chuyển hóa“. Theo những mô hình này, phản ứng tiêu cực với căng thẳng sẽ là sự “phòng vệ nhiễu/loạn thần” hoặc sự “đối phó thoái lui”.
Như Francis Bacon đã nhấn mạnh, trích từ bài diễn văn của nhà triết học theo trường phái khắc kỷ Seneca: “Con người vốn ước ao những điều tốt đẹp từ sự thịnh vượng, nhưng lại ngưỡng mộ những điều tốt đẹp đến từ nghịch cảnh“.
Nhà hóa học được giải Nobel, Ilya Prigogine, gọi các hệ thống vật lý khai thác năng lượng, mà mặt khác sẽ bị phán tán và mất đi trong chuyển động ngẫu nhiên là “các cấu trúc tiêu tán” (dissipative structures). Tận dụng những nguồn năng lượng mà nếu không tận dụng thì sẽ bị mất đi hoặc sẽ chống lại mục tiêu của chúng ta.
Nếu con người không học những mánh khóe khác nhau để chuyển đổi sức mạnh của sự hỗn loạn thành thứ gì đó có thể sử dụng, chúng ta sẽ không sống sót một cách thành công như đã làm được.
Lòng can đảm, khả năng phục hồi, tính kiên trì và phương pháp phòng vệ trưởng thành, hoặc đối phó chuyển hoá – những cấu trúc tiêu tán của tâm trí – là rất cần thiết
Trong cuộc đời của mỗi con người, khả năng chỉ có những điều tốt đẹp xảy ra là cực kỳ mong manh. Khả năng những khát vọng của chúng ta sẽ luôn luôn thành hiện thực thì quá thấp, đến mức không đáng kể. Không sớm thì muộn, mọi người sẽ phải đối mặt với những sự kiện mâu thuẫn với những mục tiêu của họ: những điều gây thất vọng, bệnh nặng, đảo lộn về tài chính và thậm chí là cái chết không thể tránh khói.
Mỗi sự kiện kiểu này là phản hồi tiêu cực tạo ra sự hỗn loạn trong tâm trí. Mỗi sự kiện trên đe dọa cái tôi và làm suy yếu chức năng của nó. Nếu chấn thương đủ nghiêm trọng, người ta có thể mất đi khả năng tập trung vào những mục tiêu cần thiết. Và nếu điều đó xảy ra, cái tôi không còn nằm trong sự kiểm soát nữa. Nếu sự suy yếu ở mức độ nghiêm trọng, ý thức trở nên hỗn loạn và họ “đánh mất lý trí” – thì các triệu chứng khác nhau của bệnh lý tâm thân sẽ xâm chiếm. Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, cái tôi bị đe dọa vẫn sống sót, nhưng ngừng phát triển; co rúm lại dưới cuộc tấn công, thoái lui về đằng sau nhiều lớp phòng vệ và sống một cuộc đời vô vị trong trạng thái không ngừng hoài nghi.
Những ai biết cách chuyển hoá một tình huống vô vọng thành một hoạt động dòng chảy mới, có thể kiểm soát được, thì sẽ có thể tự mình tìm vui và vươn lên mạnh mẽ hơn từ những thử thách, có 3 bước chính có vẻ liên quan đến những chuyển đổi như vậy
- Sự tự tin vô thức: chính là một niềm tin tuyệt đối rằng số phận của họ nằm trong tay họ. Họ không tự cho mình là trung tâm; một cách đặc thù; năng lượng tinh thần của họ không dồn vào việc chi phối môi trường của họ nhiều như việc tìm cách để vận hành nó một cách hài hoà.
- Tập trung sự chú ý vào thế giới: không sử dụng hết năng lượng của mình để cố gắng thỏa mãn những gì mà họ tin là nhu cầu của bản thân, hoặc lo lắng về những ham muốn có điều kiện mang tính xã hội. Thay vào đó, sự chú ý của họ luôn tỉnh táo, không ngừng xử lý thông tin quanh mình. Trọng điểm vẫn được thiết lập bằng mục tiêu của một cá nhân, nhưng nó mở rộng đủ để anh ta chú ý và thích ứng với những sự kiện bên ngoài ngay cả nếu chúng không trực tiếp liên quan đến những gì anh mong muốn đạt được. Thái độ cởi mở giúp cho một cá nhân có thể khách quan, có thể nhận thức được những khả năng thay thế, có thể cảm thấy là một phần của thế giới xung quanh.
- Sự khám phá những giải pháp mới: nếu một người hoạt động với sự tự tin vô thức, giữ sự cởi mở với môi trường và gắn bó với nó, thì một giải pháp có khả năng xuất hiện.
Cái tôi có mục đích tự thân
“Cái tôi có mục đích tự thân” là cái tôi dễ dàng nhìn nhận và biến những mối đe dọa tiềm tàng thành những thử thách mang tính thưởng thức và nhờ đó duy trì được sự hài hòa bên trong. Một người không bao giờ thấy buồn chán, ít khi lo âu, dồn hết tâm trí vào những gì đang diễn ra và ở trong trạng thái dòng chảy hầu như mọi lúc thì có thể được xem là có cái tôi có mục đích tự thân. Trên lý thuyết, từ này có nghĩa là “cái tôi có những mục tiêu độc lập” và nó ngụ ý rằng một cá nhân như vậy có tương đối ít những mục tiêu không bắt nguồn từ bên trong cái tôi của họ.
Đối với hầu hết mọi người, những mục tiêu được định hình trực tiếp bằng nhu cầu sinh lý và những thông lệ xã hội, và chính vì lẽ đó mà khởi nguồn của chúng nằm bên ngoài cái tôi. Còn đối với một người có mục đích tự thân, các mục tiêu cơ bản xuất phát từ trải nghiệm được đánh giá trong ý thức và vì vậy mà nó bắt nguồn từ chính cái tôi.
Tìm ra một mục đích có thể thống nhất các mục tiêu của một cá nhân là chưa đủ, người ta còn phải đương đầu và vượt qua được những thử thách của nó. Mục đích phải dẫn đến sự cố gắng; ý định phải được chuyển thành hành động. Chúng ta có thế gọi đây là sự quyết tâm trong việc theo đuổi mục tiêu của một người.
Điều quan trọng không phải là người ta thực sự đạt được nhiều bao nhiêu những mục tiêu mà mình đặt ra; thay vào đó, điều quan trọng là liệu nỗ lực có được tiêu tốn để đạt được mục tiêu thay vì bị phân tán hoặc lãng phí hay không.