Bước cuối cùng trong quá trình phỏng vấn tìm việc là deal-lương (Thỏa thuận lương). Thông thường trước đó nhà tuyển dụng đã biết được “mức lương mong muốn” của bạn trong hồ sơ tuyển dụng. Nếu nhà tuyển dụng thấy bạn phù hợp với vị trí tuyển dụng và mức lương bạn mong muốn “hợp lý” thì họ sẽ liên hệ hoặc chuyển hồ sơ bạn đến bước tiếp theo là thỏa thuận lương.
Bạn đừng nhầm tưởng là “Đến bước thỏa thuận lương tức là công ty đã đồng ý với mức lương mà bạn đã đề xuất trong hồ sơ ứng tuyển” nếu đơn giản như vậy thì người ta đã không gọi là deal-lương. Bạn cần phải biết thêm một số thông tin về lương Gross và Net để có thể thỏa thuận với nhà tuyển dụng nhé:
Lương Gross | Lương Net | |
Khái niệm | Là tổng tiền lương của NLĐ (Người lao động – là bạn) mà NSDLĐ (Người sử dụng lao động – Công ty nơi bạn làm việc) chi trả mỗi kì trả lương. | Là tiền lương thực nhận của NLĐ mỗi kỳ trả lương. |
Bao gồm | BHXH (8%)BHYT (1,5%) BHTN (1%) Thuế TNCN (nếu có) | Không bao gồm BHXH, BHYT, BHTN, Thuế TNCN |
Mối quan hệ | Lương Net = Lương Gross – (BHXH + BHYT + BHTN + Thuế TNCN) |
Như vậy khi deal-lương trên mức Gross, bạn phải ý thức được 2 điều: mức lương thực nhận (tiền về tài khoản ngân hàng của bạn mỗi tháng) sẽ thấp hơn con số này; điều thứ hai là số tiền bạn đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân của bạn sẽ dựa trên mức lương này. Tức là khi bạn đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đưa ra mức lương 10.000.000đ Gross thì bạn phải ý thức được, tiền thực nhận của mình sẽ không được là 10 triệu mà lương thực nhận (lương Net) mỗi tháng của bạn sẽ là 8.850.000đ. Công cụ hỗ trợ tính lương bạn có thể tham khảo tại đây.
Ở đây mình lưu ý một tí, nhiều bạn nghĩ lương Gross cuối cùng cũng deal ra lương Net để tính tiền về tài khoản. Đúng nhưng chưa đủ, vì lương Gross mà mình bàn tới ở đây là mức lương mà ghi trong hợp đồng lao động của bạn và là mức lương đóng các loại thuế. Ví dụ nếu bạn deal lương Gross là 10 triệu và trên hợp đồng lao động của bạn là 10 triệu thì sau này khi bạn hưởng bảo hiểm thất nghiệp bạn sẽ nhận được 60% của 10 triệu là 6 triệu tức là ít nhất trong 3 tháng thất nghiệp bạn vẫn có mức lương là 6 triệu.
Với những bạn mới ra trường, lần đầu kiếm được tiền, thường các bạn chỉ muốn nhận được tiền thôi nên lúc nào cũng đòi lương Net hoặc nghe công ty nói trả theo lương Net thì rất khoái chí – cho đơn giản dễ hiểu chỉ biết số tiền mỗi tháng về tài khoản mình cố định là bấy nhiêu đó chứ không hiểu giá trị sâu xa của lương Gross.
Tóm lại là: Đi phỏng vấn nên deal lương Gross hay lương Net?
Trên thực tế, nếu công ty trả lương và đóng đúng mức phí BHXH, thuế TNCN thì người lao động dù nhận lương Gross hay lương Net cũng đều được hưởng quyền lợi như nhau. Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp mà công ty trả lương Net nhưng lại khai báo với cơ quan BHXH, cơ quan thuế mức lương thấp hơn để giảm thuế phải đóng thì quyền lợi của người lao động nhận được khi xảy ra các sự cố ngoài ý muốn sẽ bị giảm đi (Như ví dụ ở trên mình có nói). Do đó, khi lựa chọn cách trả lương cho mình giữa lương Gross và lương net bạn nên lựa chọn hình thức trả lương gross để được đóng các khoản phí đúng với mức lương và nhận quyền lợi tương đương, đồng thời tránh được các vấn đề nhạy cảm giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, dù nhận lương Gross sẽ khiến người lao động có cảm giác bị “hụt” đi một khoản tiền nhưng mức lương này vẫn được khuyến khích lựa chọn. Bởi lẽ tất cả các mức đóng bảo hiểm, thuế,… mà người lao động được hưởng đều dựa trên mức lương Gross. Việc nhận lương Gross sẽ tạo cảm giác khách quan, minh bạch hơn, người lao động cũng dễ dàng theo dõi sự thay đổi về mức lương cũng như các khoản chi phí bắt buộc khác khi bị trừ, đồng thời quyền lợi cũng được bảo đảm hơn.
Tham khảo công cụ tính lương mới cập nhật 2024 – từ thư viện pháp luật dưới đây:
https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/cong-cu-chuyen-doi-luong-gross-net